EURO 2021: Chào mừng sự trở lại của “cơn lốc màu da cam”

Hà Lan trở lại EURO 2020

Bỏ qua những cơn mộng mị kéo dài, Hà Lan đã chính thức góp mặt tại Euro 2021. Đó là thứ rượu vang hảo hạng để bữa đại tiệc của bóng đá châu Âu thêm phần kịch tính và hấp dẫn.

Chẳng ai có thể ngờ, chỉ trong vòng 5 năm ngắn ngủi, Hà Lan lại sa sút nhanh như thế. Từ vị thế là á quân thế giới (2010), đệ tam hào kiệt (2014), người Hà Lan “bay” mất hút khỏi vũ đài bóng đá thế giới. Những ngày buồn của bóng đá xứ sở hoa tu-líp khiến người hâm mộ liên tưởng đến truyền thuyết về con tàu ma mang tựa đề “Người Hà Lan bay” (Flying Dutchman). Chuyện kể rằng vào thế kỷ 17, vị thuyền trưởng người Hà Lan Hendrik van der Decken cùng toàn bộ thủy thủ đoàn đang trên đường trở về quê hương từ mũi Hảo Vọng thì gặp một cơn bão lớn. Dù đã cố gắng chống chọi đến cùng, nhưng con tàu vẫn bị những cơn sóng hung dữ xé tan ra từng mảnh. Khi nhận thấy cái chết đang tới gần, thuyền trưởng Vanderdecken đã gào thét điên cuồng giữa biển cả mênh mông và thề sẽ đưa tàu trở lại mũi Hảo Vọng bằng mọi giá.

Hà Lan trở lại EURO 2020Cũng giống như con tàu định mệnh của Vanderdecken, “Oranje” gục ngã khi đang ở đỉnh cao của sự kỳ vọng. Ngày Louis van Gaal rời đi, Guus Hiddink được chọn với mong muốn làm sống lại lối đá tổng lực đầy kiêu hãnh một thời. Tuy nhiên, đúng như Simon Kuper, ký giả chuyên về bóng đá Hà Lan, khẳng định: “Thực tế, bóng đá tổng lực của Hà Lan đã chết lâu rồi”. Với những người ái mộ đội tuyển áo da cam, đó chẳng khác nào một quả đại bác dội thẳng về quá khứ. Song thực tế đã chứng minh, Kuper đã đúng. Hiddink thất bại, Blind hay Advocaat cũng “băng hà” theo. 

Nên biết rằng cả Bert Van Marwijk và Louis Van Gaal trước đó đã thành công nhờ vào việc họ đã dám đi ngược lại truyền thống của tổ tông. Không phải Marwijk hay Van Gaal “khi sư diệt tổ” mà bởi vì bóng đá Hà Lan hiện tại đã lâm vào tình trạng “tre già nhưng măng chưa mọc”. Gần một thập kỷ qua, “cơn lốc màu da cam” sống nhờ vào bộ ba Sneijder, Robben và Van Persie. Sự thiếu hụt quá lớn về nguồn nhân lực ở thế hệ kế cận khiến bóng đá Hà Lan phải giẫm chân tại chỗ và dần đi thụt lùi so với thế giới. Lối tư duy bóng đá tổng lực đã giúp bóng đá xứ sở hoa tu-líp được cả thế giới biết đến nhưng cũng chính nó là sợi dây trói buộc vô hình khiến người Hà Lan chuốc lấy thất bại ở những giải đấu lớn gần đây.

May thay, Ronald Koeman đã đến và tiến hành đại cải tổ. Huyền thoại một thời của Barcelona đưa những Wesley Sneijder, Van Persie, Klass Jan Hunterlaar vào “viện bảo tàng” để trao cơ hội cho những măng non thuộc hai học viện trứ danh Ajax Amsterdam và PSV Eindhoven như Matthijs de Ligt, Frenkie de Jong, hay Van de Beek… Cộng với những nhân tố chủ chốt đã khẳng định được đẳng cấp như Van Dijk, Wijnaldum và Depay, Hà Lan đã tìm lại sự gắn kết và sức mạnh cần thiết. 

Ở chiến dịch vòng loại Euro 2021, những người Hà Lan “mặt búng ra sữa” đã cạnh tranh sòng phẳng với người Đức ở bảng C và họ chỉ chấp nhận về nhì sau “tai nạn” trước Bắc Ai Len. Không chỉ về mặt kết quả, Koeman đã trình làn một “Oranje” đầy tươi mới và hiện tại.

Frankie de JongVới “nhạc trưởng” Frankie de Jong ở giữa sân, Hà Lan sở hữu một tiền vệ thu hồi bóng và tổ chức lối chơi hiện đại với khả năng bao quát điều chỉnh nhịp độ trận đấu tài tình. Từ Ajax đến Barcelona hiện tại, tiền vệ trẻ người Hà Lan luôn là nhân tố chủ chốt ở khu trung tuyến. Ở hàng thủ, bên cạnh trung vệ xuất sắc nhất thế giới Van Dijk, De Ligt chắc chắn là cái tên nổi bật hơn cả. Trung vệ đang thuộc biên chế của Juventus rất giỏi đọc tình huống và bọc lót cho các đồng đội. Hơn thế, ở tuổi 20, De Ligt còn thể hiện khả năng lãnh đạo tuyệt vời, nhất là những gì anh đã thể hiện trong màu áo Ajax ở mùa giải 2018/19. Trên hàng công, Koeman đã làm hồi sinh một Memphis Depay tưởng chừng đã “chết yểu” sau những ngày tháng lận đận ở Man United.

Chính sự bùng nổ của chân sút đang khoác áo Lyon giúp Hà Lan có một mũi xuyên phá lợi hại. Nhìn cái cách Depay làm khổ người Đức trong hai cuộc đối đầu ở vòng loại Euro 2020 vừa qua để thấy rằng, chân sút mang áo số 10 đã không còn là một cậu bé ngổ ngáo, loè loẹt mà đã trưởng thành hơn rất nhiều để gánh vác trọng trách ở đội tuyển quốc gia. Không những thế, Koeman đã chứng minh, những người nỗ lực nhất sẽ được trao cơ hội. Ryan Babel là một ví dụ tiêu biểu. Ở tuổi 31, Babel bỗng chốc hồi sinh một cách kỳ diệu để trở lại đội tuyển quốc gia. Thi đấu bên cạnh nhiều đồng đội trẻ, Babel đóng vai trò ngọn hải đăng dẫn đường nhờ kinh nghiệm phong phú. Hơn nữa, bằng lối chơi xông xáo, anh trở thành mũi nhọn không thể thiếu trong màn hồi sinh của “cơn lốc màu cam”. Không ghi nhiều bàn thắng, nhưng tầm hoạt động rộng bên cánh trái và kinh nghiệm giúp cựu tiền đạo Liverpool ghi dấu ấn đậm nét trong hành trình trở lại của “Oranje”. 

Hà Lan luôn là thế. Khi đội hình của họ nở rộ tài năng như nấm mọc sau mưa thì những lý do ngoài bóng đá khiến họ gục ngã. Tuy nhiên, người Hà Lan cũng quá quen với nghịch cảnh. Tổ tiên của họ gây dựng cơ đồ ở vùng đất thấp nhất thế giới. Muốn tồn tại và phát triển, họ phải cải tạo mọi thứ, kể cả bản thân mình. Chính vì thế dân gian Hà Lan đã đúc kết một thành ngữ: “Thượng đế tạo ra thế giới, còn người Hà Lan kiến tạo đất nước của riêng mình”

Đội tuyển Hà Lan tại EURO 2020 Bóng đá Hà Lan cũng đi theo con đường ấy. Khi niềm kiêu hãnh bị nhấn chìm vào vũng bùn, khi phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng, người Hà Lan sẽ tìm thấy lý tưởng sống cho riêng mình. Nhưng hãy quên đi thứ bóng đá tổng lực của những năm 70, 80 của thế kỷ 20. Koeman đang làm cách mạng bằng cách chắt lọc tinh hoa của bóng đá thế giới và vận dụng sáng tạo vào những con người mà ông đang có. Nó có thể không đẹp, không hoa mỹ, thêu hoa dệt gấm như lịch sử vẫn thường ngợi ca nhưng quan trọng nhất, thứ bóng đá ấy sẽ mang lại điều mà người Hà Lan thèm khát. Đó chính là kết quả trên sân cỏ. Người Hà Lan đã thất bại vì theo đuổi những giá trị thuộc về quá khứ. Đã đến lúc họ tỉnh cơn mê để trở về thực tại; đồng thời, thắp lên ngọn lửa hướng về tương lai.

DMCA.com Protection Status

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây