Sau 24 năm, vinh quang liệu có trở về với người Đức?

EURO 2020 đội tuyển Đức

“Bóng đá là một trò chơi đơn giản. 22 người đuổi theo một trái bóng trong 90 phút và cuối cùng, tuyển Đức luôn giành chiến thắng”. Đó là luận điểm kinh điển của cựu tiền đạo người Anh Gary Lineker sau khi “Tam sư” thất thủ trước “Die Mannschaft” trong loạt đá luân lưu ở bán kết World cup 1990. Thế nhưng, vinh quang ở đấu trường Euro đã ngoảnh mặt với người Đức ngót 24 năm. Liệu rằng đã đến lúc “cỗ xe tăng” đòi lại ngai vàng?

Không ngoa khi nói rằng, người Đức sinh ra để thống trị bóng đá châu Âu bởi ngay trong lần đầu tiên tham dự Euro (năm 1972), họ đã lên ngôi vô địch. Kể từ đó, trải dài 12 vòng chung kết, “Die Mannschaft” gặt hái thêm 2 chức vô địch nữa. Chỉ có 3 lần “cỗ xe tăng” dừng bước ở vòng 1; còn lại, tối thiểu họ cũng vào đến bán kết. Bao nhiêu đó là quá đủ để cả lục địa già phải cúi đầu trước sức mạnh của “cỗ xe tăng” Đức.

Thế nhưng kể từ lần đăng quang châu Âu trên đất Anh vào năm 1996, “Die Mannschaft” vẫn chưa thể thêm một lần chạm đến chiếc cúp bạc danh giá ấy. 3 kỳ Euro gần nhất, thành tích tốt nhất của Loew và các học trò chính là lần về nhì trên đất Áo năm 2008. Người Đức đã bại trận trước sự trỗi dậy của Tây Ban Nha và dẫu cuộc cách mạng bóng đá đã mang về cho nước Đức chức vô địch thế giới lần thứ 4 nhưng Euro vẫn là nỗi khắc khoải mong chờ.

Sau thất bại não nề ở , một lần nữa, Joachim Loew được trao trọng trách tái thiết đội tuyển Đức. Đây không phải sứ mệnh mới mẻ bởi cách đây gần 16 năm, sau thất bại ở Euro 2004, Loew và Klinnsman đã đệ trình một kế hoạch đầy tham vọng để cải tổ đội tuyển Đức. Theo đó, thay vì giữ mãi một bộ mặt thô ráp, thực dụng như một chiếc xe tăng, bóng đá Đức đã chắt lọc tinh hoa của bóng đá thế giới để tạo ra một thế hệ cầu thủ giàu kỹ thuật nhằm phục vụ cho triết lý bóng đá lấy kiểm soát bóng làm nền tảng. Những tư duy mới mẻ ấy được “nâng đỡ” bởi tinh thần Đức đã thành công mỹ mãn và cải tạo toàn bộ nền bóng đá Đức. Tuy nhiên, chu kỳ thành công nào rồi cũng khép lại và người Đức cũng không ngoại lệ.

Thất bại tủi hổ trên đất Nga cách đây gần 2 năm buộc đội tuyển Đức phải thêm một lần làm cách mạng. Joachim Loew đã mạnh dạn gạt bỏ những cựu thần như Oezil, Hummels, Boateng, Mueller.. để trao trọng trách cho những cái tên mới như Kimmich, Timo Werner, Marco Reus hay Serge Gnabry. Về mặt lối chơi, thứ bóng đá thiên về kiểm soát bóng từng giúp Die Mannschaft lên ngôi ở World Cup 2014 tại Brazil đã biến mất. Loew muốn đội tuyển Đức chơi bóng nhanh hơn, trực diện hơn với những đường chuyền ít chạm để tiếp cận khung thành đối phương nhanh hơn. Thành công của Juergen Klopp với gegen-pressing (phản công tổng lực) chính là mô hình để nhà cầm quân 59 tuổi hướng đến.

EURO 2020 đội tuyển ĐứcMặc dù chưa thực sự xuôi chèo mát mái nhưng Die Mannschaft cũng đã hoàn thành chiến dịch vòng loại Euro 2020 với ngôi nhất bảng C, vượt qua đội tuyển Hà Lan cũng đang hồi sinh mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng cần có thời gian. Như chính Loew đã chia sẻ sau khi lên đỉnh thế giới trên đất Brazil: “Chúng tôi vô địch World Cup không phải nhờ có sự chuẩn bị của 50 ngày trước giải. Đấy là cả một quá trình dài để triển khai một dự án bắt đầu từ 10 năm trước. Khi đó, tôi và Klinnsman tiếp nhận đội tuyển, vạch ra lộ trình và kiên trì theo đuổi. Sức mạnh lớn nhất của chúng tôi chính là sự kiên nhẫn dù đã đôi lần, chúng tôi không chạm đến vinh quang”.

Loew nói đúng. Khoa học, kỷ luật và đam mê. Đó là con đường thành công của người Đức. Đã bao lần thế giới bóng đá ngước nhìn người Đức dù trước đó “cỗ xe tăng” không được đánh giá cao. Đơn cử như World cup 2002, ở giai đoạn chuyển giao thế hệ và vừa thất bại thảm hại ở Euro 2000, nhưng dưới sự chèo lái của Rudi Voller và đội trưởng Michael Ballack, tuyển Đức đã lầm lũi tiến thẳng vào chung kết trước khi bị khuất phục bởi Brazil của những Ronaldo, Rivaldo và Ronaldinho.

Euro 2020, Die Mannschaft rơi vào bảng tử thần với sự hiện diện của nhà đương kim vô địch thế giới Pháp, đương kim vô địch châu Âu Bồ Đào Nha. Với những gì đã thể hiện ở World cup 2018, nhiều người đang lo lắng cho khả năng tiến xa của thầy trò Joachim Loew. Song, lịch sử đã chứng minh, càng bị đẩy vào thế khó, sức mạnh của người Đức càng đáng sợ. Đã bao lần, “cỗ xe tăng” gây choáng váng cho đối thủ bằng sức mạnh tiềm tàng vượt ngoài những dự đoán thông thường.

Không phải thượng đế ưu ái người Đức khi sinh ra họ để chiến thắng giống như Gary Lineker đã chua chát thốt lên. Trái lại, để gặt hái thành công, không ai nếm trái đắng nhiều bằng họ. Người Đức vô địch World cup 1990 sau khi đã phải khóc hận đến 2 lần trong các trận chung kết trước đó vào các năm 1982, 1986. Rộng hơn nữa, Die Mannschaft đã 4 lần vô địch thế giới nhưng cũng không quốc gia nào khóc hận trong các trận chung kết nhiều bằng họ (4 lần). Ở đấu trường Euro, điều tương tự cũng xảy ra khi đã có đến 3 lần, “cỗ xe tăng” phải cay đắng nhìn đối thủ nâng cúp ăn mừng trong các trận chung kết. 

Người ta cứ mãi nuối tiếc cho Hà Lan với thứ bóng đá tổng lực mê hoặc lòng người nhưng có lẽ “Oranje” vẫn chưa đủ bản lĩnh và sự lì lợm cần thiết. Tuy nhiên, đó là tinh hoa mà người Đức đã sở hữu để khẳng định vị thế trên bản đồ bóng đá thế giới. Do vậy, dù đang bắt đầu một chu kỳ mới và còn gặp muôn vàn khó khăn; song, nếu thêm một lần người Đức lên đỉnh châu Âu thì tất cả cũng đừng bao giờ xem rằng, đó là món quà mà Chúa ban cho.

DMCA.com Protection Status

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây