Cristiano Ronaldo và những giọt nước mắt ở các kỳ EURO

Ronaldo at Euro 2020

Người ta vẫn nói: “Bóng đá là nơi đàn ông khóc nhiều nhất”. Với Cristiano Ronaldo, câu nói ấy thật đúng, nhất là ở đấu trường Euro, nơi những giọt nước mắt biến C.Ronaldo trở thành huyền thoại.

Để có một bức tranh toàn cảnh về Ronaldo, ngay những fan cuồng của CR7 cũng cần đến một chiếc máy tính hàng hiệu và “ông thần biết tuốt” Google. Bởi Ronaldo là con người của những danh hiệu, của những kỷ lục, ánh hào quang và cả những scandal. Tuy nhiên, vượt trên tất cả, Ronaldo là một hình mẫu về sự khổ luyện và vượt qua những thách thức của số phận.

Người ta vẫn nói về Ronaldo như một con người ngạo nghễ, kênh kiệu và cá nhân đến tiêu cực. Nhưng đừng phán xét Ronaldo như một phiên tòa mà những bằng chứng vốn dĩ chỉ được định tính bằng cảm xúc. Hãy nhìn lại hành trình trở thành một siêu sao của Ronaldo để thấy rằng anh thực sự đáng ngưỡng mộ, trân trọng và noi gương. Anh thích ca ngợi bản thân hơn hết thảy mọi thứ trên đời bởi anh đã chiến thắng biết bao nghịch cảnh để đứng trên đỉnh cao của danh vọng và quyền lực. Song đâu phải cuộc đời lúc nào cũng để giành cho Ronaldo hoa thơm và rượu ngọt. Con người kênh kiệu và màu mè ấy cũng đã rất nhiều lần phải rơi lệ trên sân cỏ, nơi anh vẫn thường tung hoành ngang dọc với những pha nước rút thần thánh, những cú đảo chân nhanh như điện xẹt hay những cú sút xa sấm xét. Nước mắt Ronaldo đã rơi ở các kỳ Euro.

Ronaldo va nhung giot nuoc mat EUROTừ một tài năng trẻ ở Sporting Lisbon, Ronaldo đến với “Nhà hát của những giấc mơ” vào năm 2003 và một năm sau, anh chính thức trải nghiệm giải đấu số một châu Âu trên quê nhà Bồ Đào Nha. Ronaldo khi ấy chỉ là một cậu nhóc 19 tuổi gầy gò, chơi bóng điệu đà trước một dàn sao thượng thặng được người Bồ Đào Nha tôn vinh là “thế hệ vàng” như Luis Figo, Rui Costa, Nuno Gomes… “Selecao” mở đầu giải đấu bằng thất bại 1-2 trước Hy Lạp nhưng càng thi đấu càng hay, họ tiến thẳng đến trận chung kết để gặp lại đội bóng quê hương của các vị thần. 

Người Bồ Đào Nha mong chờ một chiến thắng để trở thành nhà vua mới của bóng đá châu Âu. Cả thế giới tin rằng “Selecao” sẽ sửa sai. Song Otto Rehhagel và các học trò đã viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thực bằng một thứ bóng đá thực dụng đến… phản bóng đá. Họ tử thủ trước dàn sao thượng thặng của Bồ Đào Nha và chỉ cần một tình huống cố định, cú đánh đầu của Charisteas đã nhấn chìm tất cả. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài Markus Merk vang lên, hơn 62.000 cổ động viên có mặt trên sân Ánh Sáng ở Lisbon thất thần. Còn Ronaldo? Anh khóc nghẹn như một đứa trẻ. Là một người đầy tham vọng, anh tự trách mình nên dứt điểm tốt hơn khi các cơ hội lần lượt trôi qua. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, Ronaldo nức nở: “Chúng tôi có một đội bóng tuyệt vời, và chơi một mùa giải ấn tượng. Chúng tôi không đáng phải nhận thất bại thế này. Nhưng bây giờ tôi phải tiến lên, tôi phải nhìn về phía trước”.

Nói là làm. Sau kỳ Euro nghẹn đắng ấy, Ronaldo nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân. Từ một cậu nhóc gầy gò, anh trở thành một siêu sao với thân hình vạm vỡ và kỹ năng săn bàn hàng đầu thế giới. Ronaldo đến với Euro 2008 với hành trang là chức vô địch Champions League cùng Man United. Nhưng rồi thêm một giải đấu lớn nữa, Ronaldo chưa thể hiện được nhiều. Anh rời Áo và Thụy Sĩ với vỏn vẹn 1 bàn thắng khi Bồ Đào Nha bị loại ở tứ kết trước người Đức. 

4 năm sau, tưởng chừng số phận đã mỉm cười với Ronaldo khi Bồ Đào Nha lầm lũi vào đến bán kết Euro nhưng cũng thêm một lần, anh phải nếm trái đắng trên chấm luân lưu định mệnh trước nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha. Đáng nói hơn, có ý kiến cho rằng khi ấy CR7 không dám thực hiện loạt đá luân lưu khi lần lượt Moutinho và Bruno Alves lần lượt đá hỏng. Tuy nhiên, huấn luyện viên Paulo Bento đã đứng ra bảo vệ cậu học trò cưng khi ông quyết định “để dành” anh cho lượt đá quyết định. Ở Donbass Arena năm ấy, Ronaldo không khóc nhưng ai cũng hiểu được nỗi đau mà Ronaldo đang nếm trải. Anh phải cố nuốt nước mắt vào tim để biến thành sức mạnh bởi anh tin rằng, rồi một ngày vinh vang cũng sẽ đến với anh.

Ronaldo at Euro 202012 năm sau trận chung kết đầu tiên, Ronaldo mới có cơ hội để bước lên đỉnh châu Âu. Để đi đến trận chung kết ở Stade de France năm 2016, “Selecao” đã trải qua một chiến dịch vòng bảng vô cùng gian nan mà nếu không có tài năng siêu phàm của CR7, chắc chắn sẽ không có đêm huyền diệu ở Paris vào trận đấu cuối cùng của giải đấu. Ronaldo đã ghi 2 bàn vào lưới Hungary trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng, giúp đoàn quân của Fernando Santos may mắn lọt vào vòng 16 đội với thành tích là một trong 4 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất. 

Càng thi đấu càng hay, Ronaldo là đầu tàu kéo “Selecao” đến trận chung kết sau bàn thắng vào lưới xứ Wales ở bán kết. Ở Stade de France, ai cũng mong chờ Ronaldo sẽ tỏa sáng nhưng số phận thật biết trêu ngươi. Chỉ 12 phút bóng lăn, Ronaldo lăn lộn trên sân sau pha vào bóng của Payet. Ai cũng nghĩ đó chỉ là trò “ăn vạ” thường thấy của ngôi sao người Bồ. Nhưng không. CR7 cố gắng chống chọi thêm 13 phút nữa trước khi rời sân bằng cáng với những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Ronaldo kết thúc giải đấu khi tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài Mark Clattenburg vẫn chưa vang lên. 

Hàng triệu người hâm mộ xót xa cho Ronaldo, cho một thiên tài thường lỡ duyên cùng đội tuyển quốc gia. Thảm họa 12 năm trước lại ám ảnh các cổ động viên “Selecao”. Mất Ronaldo, Bồ Đào Nha coi như mất đi 50% sức mạnh. Ở tuổi 31, những giọt nước mắt của CR7 khác rất nhiều so với cách đây 12 năm. Không phải vì yếu bản lĩnh, nước mắt của Ronaldo thể hiện trách nhiệm của một người đàn ông trưởng thành trước quốc gia, trước hàng triệu cổ động viên vẫn xem anh là vị cứu tinh trong gian khó. Khi các đồng đội phải gồng mình trước đội chủ nhà Pháp, còn Ronaldo thì bất lực.

Như hiểu được nỗi lòng của Ronaldo, các đồng đội của anh đã thiết lập một thế trận vô cùng chắc chắn. Cộng với may mắn, họ kéo “gà trống Gaulois” bước vào hiệp phụ để rồi tiền đạo vào thay người Eder đã nhấn chìm người Pháp ngay trên sân nhà với bàn thắng quý hơn vàng ở phút 109 sau cú sút xa quyết đoán. Trên đường pitch, Ronaldo với chiếc đầu gối quấn kín vẫn hò hét, chỉ đạo các đồng đội chẳng khác nào một huấn luyện viên thứ hai bên cạnh Fernando Santos.

Ronaldo EURO 2016Khi tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài Mark Clattenburg vang lên, một lần nữa trong trận đấu, Ronaldo rơi lệ nhưng lần này là những giọt nước mắt hạnh phúc. Cũng giống như đêm mưa huyền diệu ở Moscow cách đó 8 năm khi anh lần đầu tiên đăng quang Champions League cùng Man United, Ronaldo nếm trải cảm giác hạnh phúc của người chiến thắng bằng những giọt lệ. Tuy nhiên, chiến thắng với đội tuyển quốc gia Bồ Đào Nha có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều bởi anh và các đồng đội đã làm được điều mà ngay cả những huyền thoại lừng danh trong quá khứ như Eusebio, Luis Figo, Rui Costa… vẫn chưa làm được. Càng trân quý hơn biết bao khi ở tuổi 31, Ronaldo biết rằng cơ hội để anh giương cao chức vô địch cùng đội tuyển quê hương đã ngày càng ngắn lại.

Với thể chất phi phàm và sự chuyên nghiệp ngoài sức tưởng tượng, Ronaldo vẫn đang rất sung sức và vẫn là ngọn cờ đầu của đội tuyển Bồ Đào Nha ở Euro 2020 sắp tới. Khi những người cùng thời sát cánh bên anh đã tìm một bến đỗ để “giưỡng già” hoặc lui vào hậu trường, CR7 vẫn tiến lên để chinh phục những đỉnh cao mới. Trong suốt sự nghiệp lừng danh của mình, Ronaldo vẫn thường ngạo nghễ đến mức thách thức nhưng anh luôn sống thật theo đúng bản chất vốn có của mình. 12 năm, trải đều qua 4 kỳ Euro, Ronaldo đã biến những giọt nước mắt uất hận thành những giọt lệ hạnh phúc trên đỉnh vinh quang. Và với những cổ động viên trung lập, hay ngay cả những anti-fan lớn nhất cũng nên thừa nhận rằng, Ronaldo quả thật vĩ đại bởi anh đã sống trọn với niềm đam mê lớn nhất đời mình.

DMCA.com Protection Status

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây